Nội dung sứ mạng, tầm nhìn, giá trị văn hóa của Nhà trường
Sứ mạng: Trường đại học đa ngành nghề có uy tín trong khu vực và thế giới; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành kinh tế biển và xã hội, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.
Tầm nhìn:
- Đến năm 2020: Hoàn thành gian đoạn thứ nhất về xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho chiến lược Trường trọng điểm quốc gia. Có đội ngũ giảng viên đạt chuẩn về chuyên môn, ngoại ngữ; một số ngành đào tọa được công nhận chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn AUN; đạt thành tự bước đầu trong hợp tác song phương về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và trao đổi giảng viên, sinh viên.
- Đến năm 2025 đạt trình độ ngang bằng với các trường Đại học Hàng hải của các nước phát triển trong khối ASEAN (Thái Lan, Malayxia, ...);
- Đến năm 2030 đạt trình độ ngang bằng với các trường trong khối các trường Đại học Hàng hải khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, ...); có đủ khả năng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước, nghiên cứu, thực nghiệm các công nghệ mới trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển và hải dương học phục vụ cho nhu cầu dân dụng và quân sự; thu hút được học viên từ các nước trong khu vực và thế giới.
Giá trị văn hóa: "Trí tuệ - Sáng tạo - Trách nhiệm - Nhân văn"
Lịch sử thành lập Khoa Công nghệ thông tin
Khoa CNTT – Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thành lập ngày 18/12/1997. Tiền thân của Khoa là Trung tâm CNTT được thành lập từ ngày 17/9/1996 với 2 nhiệm vụ cơ bản là:
- Đào tạo chuyên ngành CNTT hệ Cao đẳng chính quy
- Giảng dạy 2 môn Tin học Đại cương và Tin học ứng dụng cho toàn Trường.
Ngay sau khi thành lập, Khoa được giao nhiệm vụ:
- Đào tạo chuyên ngành CNTT hệ Đại học chính quy
- Đào tạo chuyên ngành CNTT hệ Đại học không chính quy
- Đào tạo chuyên ngành CNTT hệ Cao đẳng chính quy
- Giảng dạy 2 môn học Tin học đại cương và Tin học ứng dụng cho các Khoa khác trong toàn Trường.
Vào thời điểm thành lập, cùng với 6 Khoa CNTT khác trong cả nước, Khoa CNTT – Trường Đại học hàng hải Việt Nam là một trong những khoa CNTT được thành lập sớm.
Thời gian đầu, do số CBGV cơ hữu còn chưa nhiều và cơ sở vật chất còn hạn chế, Khoa chỉ tuyển sinh 1 năm 1 lớp Cao đẳng và 1 lớp Đại học. Khóa đại học chính quy đầu tiên của Khoa là lớp CNT39ĐH niên khóa 1998-2002.
Đến năm học 2007-2008, Khoa đã dừng không tuyển sinh hệ Cao đẳng chính quy, chỉ tập trung đào tạo hệ Đại học chính quy với quy mô tuyển sinh tăng lên 2-3 lớp 1 năm.
Đến Khóa đại học K54 (năm học 2012-2013) Khoa đã tuyển sinh và đào tạo theo 3 chuyên ngành hẹp là: Công nghệ Thông tin (CNT), Kỹ thuật phần mềm (KPM) và Kỹ thuật truyền thông và mạng máy tính (TTM), quy mô tuyển sinh cũng tăng lên 200 sinh viên 1 năm.
Từ năm học 2016-2017, theo chủ trương của Nhà trường, Khoa đã xây dựng và đưa vào tuyển sinh, đào tạo hệ Đại học chính quy chất lượng cao ngành CNTT, mỗi năm tuyển sinh 2 lớp.
Từ năm 2013, với sự trưởng thành về đội ngũ GV (11 TS), Khoa đã xây dựng và đưa vào đào tạo hệ Thạc sỹ ngành CNTT, mỗi năm tuyển sinh 2 lớp.
Đến năm học 2017-2018, Khoa thay đổi chương trình đào tạo, thời gian đào tạo của tất cả các chuyên ngành hệ Đại học chính quy chỉ còn 4 năm theo chuẩn CDIO.
Hiện nay Khoa có 5 Bộ môn:
1. Bộ môn Khoa học máy tính do ThS.GVC. Nguyễn Hạnh Phúc là Phó Trưởng BM, phụ trách ngành CNT và đảm nhận các học phần cơ sở của Khoa Công Nghệ thông tin.
2. Bộ môn Hệ thống thông tin do TS. Trần Thị Hương là Trưởng BM, phụ trách ngành KPM.
3. Bộ môn Truyền thông và mạng máy tính do ThS. Cao Đức Hạnh là Phó Trưởng BM, phụ trách ngành TTM.
4. Bộ môn Kỹ thuật máy tính do ThS. Phạm Trung Minh là Phó Trưởng BM, đảm nhiệm các học phần nền tảng hệ thống cho các ngành.
5. Bộ môn Tin học đại cương do TS. Hồ Thị Hương Thơm là Trưởng BM, đảm nhiệm học phần Tin học Văn phòng và Tin học đại cương cho toàn trường và hỗ trợ các bộ môn chuyên môn.
Tổng số sinh viên theo học tại Khoa CNTT hiện nay là 1050 sinh viên. Hằng năm chỉ tiêu tuyển sinh của Khoa là 250-300 sinh viên cho 3 chuyên ngành Đại học chính quy, 40 Thạc sỹ cho 2 đợt tuyển sinh.
Về cơ sở vật chất: Khoa đang quản lý hơn 400 máy tính và các thiết bị thực hành thí nghiệm chuyên ngành về CNPM, Quản trị hệ thống mạng …
Sinh viên ngành CNTT do Khoa đào tạo đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội và được người học chấp nhận. Hiện nay các thế hệ sinh viên của Khoa đang đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau trong các doanh nghiệp, đơn vị công lập trên địa bàn TP. Hải phòng và các tỉnh duyên hải Bắc bộ. Tại các thành phố lớn như Hà nội, Tp. Hồ Chí Minh, sinh viên của Khoa cũng đang làm việc trong các đơn vị có uy tín như FPT, Topica, VNPT, Viettel … Đặc biệt thời gian gần đây, với làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp lớn tầm cỡ châu lục và thế giới vào TP. Hải phòng như LG EVH, LG Innotek, LG Display, Fuji Xerox, Bridge Stone … nhu cầu nhân lực IT tăng đột biến, tạo ra những cơ hội lớn cho các sinh viên IT theo học tại Khoa.
Ban chủ nhiệm Khoa qua các thời kỳ:
- TS. Lê Đức Mẫn – Giám đốc Trung tâm CNTT – đơn vị tiền thân của Khoa
- PGS. TSKH. Thân Ngọc Hoàn – Chủ nhiệm Khoa đầu tiên của Khoa.
- NGUT. TS. Lê Quốc Định – Thầy trưởng Khoa gắn bó với Khoa lâu nhất.
- TS. Phùng Văn Ổn – Nguyên Phó Trưởng Khoa
- TS. Nguyễn Cảnh Toàn – Nguyên Phó Trưởng Khoa
- PGS. TSKH Đỗ Đức Lưu – Nguyên Phó Trưởng Khoa
- TS. Nguyễn Trọng Đức - Nguyên phó trưởng Khoa
Ban chủ nhiệm Khoa đương nhiệm:
TS. Nguyễn Hữu Tuân
Trưởng Khoa
TS. Nguyễn Trung Đức
Phó Trưởng Khoa
TS. Nguyễn Duy Trường Giang
Phó Trưởng Khoa
Định hướng phát triển:
Có thể nói, hiện nay Khoa đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn khi mà cuộc cách mạng CN 4.0 đã xác định CNTT là động lực và nhân tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia. Đây là một cơ hội lớn để ngành CNTT Việt Nam phát triển nói chung và để khoa CNTT phát triển nói riêng, tuy nhiên đây cũng là một thách thức lớn khi CMCN 4.0 đòi hỏi những sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất và trình độ tri thức nhất định. Bên cạnh đó, phong trào khởi nghiệp cũng là một hướng đi rất hấp dẫn và lôi cuốn đối với sinh viên, nhất là sinh viên ngành CNTT.
Đứng trước các cơ hội và thách thức đó, Khoa CNTT xác định sẽ trở thành một đơn vị đào tạo có chất lượng, một đơn vị nghiên cứu khoa học và có khả năng chuyển giao công nghệ, áp dụng vào thực tiễn, góp phần vào mục tiêu xây dựng Trường ĐHHHVN thành một trường Đại học trọng điểm quốc gia, có chất lượng đào tạo tiệm cận với các trường trong khu vực và quốc tế.
Về chương trình đào tạo: Khoa xác định đổi mới phương pháp giảng dạy và chương trình đào tạo là một mục tiêu quan trọng và sẽ hoàn thành tốt việc xây dựng CTĐT mới cho 3 chuyên ngành đào tạo theo chuẩn CDIO trong năm học 2017-2018. Bên cạnh đó Khoa cũng đưa các học phần mới theo định hướng của ngành như Kết nối vạn vật (Internet of Things), Học sâu (Deep learning), Thị giác máy tính (Computer Vision) vào giảng dạy để phù hợp với xu thế của cuộc CMCN 4.0. Khoa cũng sẽ nghiên cứu và tiến tới đưa vào áp chuẩn đầu ra cho sinh viên bằng các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế để đảm bảo chất lượng đào tạo và nâng cao thương hiệu của Khoa và Nhà trường.
Về xây dựng đội ngũ: Khoa tiếp tục động viên và tạo điều kiện để các GV đi học tập nâng cao trình độ, có các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế để nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng dạy, những chiếc máy cái của quá trình đào tạo.
Về nghiên cứu Khoa học: Hàng năm Khoa phấn đấu có từ 12-15 đề tài cấp cơ sở bảo vệ thành công, 1 đề tài cấp trên cơ sở, gắn NCKH với việc ứng dụng vào thực tiễn, có từ 5-10 bài báo Khoa học chuyên ngành công bố trên các tạp chí/hội thảo quốc tế.